Ngày 22 tháng 11 năm 2024
 namxnk.hl@gmail.com   -    0902 170 387
Tin tức Nổi bật Kinh tế tuần hoàn – Thách thức với ngành dệt may

Kinh tế tuần hoàn – Thách thức với ngành dệt may

Đăng lúc: 22/09/2023

Gần đây, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã nhận được rất nhiều quan tâm trên khắp thế giới, từ các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nhân đến các nhà chức trách. Tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang KTTH cũng đã được công bố tại châu Âu. Hiện nay, mặc dù không có cách tiếp cận nào được chuẩn hóa để xây dựng nền KTTH nhưng khi hoạch định các chính sách thì điều quan trọng là những chính sách này phải phù hợp với từng ngành công nghiệp cụ thể. Những hạn chế của mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên – sản xuất – thải loại) đã bộc lộ rất rõ khi nghiên cứu ngành công nghiệp dệt may. Quá trình dịch chuyển sang KTTH đòi hỏi những thay đổi quan trọng về cả mô hình sản xuất và tiêu dùng.

3 xu hướng đổi mới tác động đến ngành dệt may

Càng ngày chúng ta càng thấy rất rõ mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại (khai thác tài nguyên – sản xuất – thải loại) ít có cơ hội áp dụng hiệu quả các nguyên lý phát triển bền vững. Kết quả là mô hình KTTH càng ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Mô hình KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các ý tưởng và thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nguồn lực tự nhiên một cách có hiệu quả nhất, và tìm ra những giá trị trong suốt vòng đời của sản phẩm. Mô hình này cũng liên quan đến việc giới thiệu những nguyên tắc như chiến lược thiết kế bền vững, thiết kế không chất thải, kéo dài vòng đời sản phẩm, khôi phục lại nguồn tài nguyên, dịch vụ sửa chữa và tái sản xuất. Có thể nói, khuôn khổ KTTH được định hình bởi nguyên lý 3R (reduce: giảm thiểu, reuse: tái sử dụng, recycle: tái chế) cần được áp dụng trong cả chu trình sản xuất, tiêu dùng, tái hồi lại nguồn tài nguyên, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội.

Tầm quan trọng của việc dịch chuyển sang kinh tế tuần hoàn đã được công bố tại Liên minh Chấu Âu. Động lực cơ bản của sự chuyển dịch này là việc tạo ra “gói kinh tế tuần hoàn” và đã được Ủy ban châu Âu thông qua ngày 2/12/2015. Với mục tiêu khép kín vòng đời của sản phẩm, một “Kế hoạch hành động” của gói “Kinh tế tuần hoàn” đã ra đời nhằm hỗ trợ KTTH trong từng bước của chuỗi giá trị. Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện “Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn”, đặt mục tiêu cụ thể cho các nước thành viên và các ngành công nghiệp của những nước này phải đạt được trong tương lai gần. Dịch chuyển từ mô hình “khai thác tài nguyên, sản xuất, và thải loại” sang mô hình vòng tròn, có nghĩa là thay thế khái niệm về kết thúc vòng đời của sản phẩm bằng khái niệm tái hồi lại các nguồn tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng hóa chất độc hại, và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và mô hình kinh doanh. Những hạn chế của mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại đã được minh chứng bởi ngành công nghiệp dệt may và ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong cuốn tài liệu “Chương trình nghiên cứu và đổi mới chiến lược ngành công nghiệp dệt may châu Âu” do Nền tảng Công nghệ châu Âu vừa mới phát hành, chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và hiệu quả nguồn lực” đã được nhấn mạnh là một trong bốn lĩnh vực đổi mới chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của ngành dệt may châu Âu. Các chuyên gia lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và dệt may từ khắp châu Âu khi nghiên cứu tài liệu này cũng nêu ra 3 xu hướng đổi mới mạnh mẽ sẽ tác động đến ngành dệt may trong những năm tới, và những xu hướng này đều liên quan mật thiết đến mô hình KTTH. Đó là:

  • Số hóa sản phẩm, thiết kế, sản xuất, phân phối, quy trình bán lẻ, tương tác với người tiêu dùng, nhà máy, nơi làm việc và chuỗi cung ứng.
  • Sự bền vững, tuần hoàn, hiệu quả của nguồn vật liệu, quy trình và hoạt động kinh doanh tổng thể; xu hướng này đòi hỏi chuỗi cung ứng minh bạch đáp ứng được tiêu chuẩn pháp lý về xã hội, sức khỏe và môi trường.
  • Mô hình tiêu dùng và kinh doanh mới dựa trên sự chia sẻ về nguồn lực sản xuất, thành phẩm, dịch vụ, mô hình thanh toán theo mỗi lần sử dụng hoặc mô hình đóng góp kinh phí dùng chung, tất cả đều hướng chúng ta đến một nền kinh tế chia sẻ và hợp tác.

Hạn chế của sản xuất và tiêu dùng tuyến tính trong ngành dệt may

Sản xuất dệt may là một trong những ngành lớn trong các ngành công nghiệp sản xuất ở châu Âu. Theo Euratex, năm 2016, 177.700 công ty dệt may với trên 1,7 triệu lao động đã đạt doanh thu 171 tỷ Euro và vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ Euro. Giá trị gia tăng của hàng hoá dệt may chiếm 3% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp ở châu Âu và lao động chiếm 6% lao động trong ngành công nghiệp sản xuất. Với doanh số trên 450 tỷ USD trên toàn cầu, dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất nhưng cũng lại là một trong những ngành gây tác hại nhất lên môi trường. Các vấn đề về môi trường chủ yếu liên quan tới việc sử dụng năng lượng, nước và hóa chất, khí thải CO2 trực tiếp và chất thải rắn.

Các nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp tác động đến hệ sinh thái của ngành dệt may đều liên quan đến gia tăng đột biến về tiêu dùng mà chủ yếu là từ hàng thời trang nhanh. Mô hình kinh doanh thời trang nhanh nổi lên từ những năm 1980. Khoảng 5-10 năm sau, giới kinh doanh thời trang nhanh đã giảm giá với mức hợp lý chưa từng có và dần ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng với khả năng làm giảm giá bán lẻ hàng may mặc truyền thống tới 50% hoặc hơn. Các công ty may mặc tích cực cắt giảm chi phí và sắp xếp chuỗi cung ứng một cách hợp lý. Điều này dẫn tới giá cả hàng may mặc giảm xuống so với giá cả của hàng tiêu dùng khác và làm cho hàng may mặc có giá ở mức chấp nhận được. Thời gian sản xuất ngắn hơn giúp cho các thương hiệu quần áo có thể giới thiệu các dòng sản phẩm mới thường xuyên hơn. Hiện nay, mỗi năm, Zara cho ra mắt 24 bộ sưu tập quần áo mới và H&M từ 12-16 bộ và tuần nào cũng có những mẫu mới. Trong số các công ty may mặc châu Âu, số lượng bộ sưu tập quần áo trung bình đã tăng gấp đôi, từ 2 bộ trong một năm vào năm 2000 lên tới 5 bộ trong 1 năm vào năm 2011.

Người châu Âu ngày nay chi tiêu cho quần áo nhiều hơn đáng kể so với 2 thập kỷ trước. Vào năm 2012, chi tiêu cho quần áo ở 28 nước châu Âu chiếm 4,2% tổng chi tiêu hộ gia đình. Khối lượng quần áo được mua đã tăng lên 40% so với năm 1996. Ngoài ra, ngày nay, quần áo được sản xuất để sử dụng trong thời gian ngắn và sau đó loại bỏ, như mô hình tiêu dùng tuyến tính thường gặp chỉ ra. McKinsey quả quyết rằng đối với hầu hết các mặt hàng may mặc, thời gian người tiêu dùng giữ quần áo của họ chỉ bằng nửa so với 15 năm trước đây. Ngày nay, nhiều người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hơn nhu cầu thực sự của họ và coi những mặt hàng may mặc giá thấp nhất này như hàng sắp loại bỏ. Một số dự báo cho thấy những mặt hàng may mặc này dường như bị loại bỏ chỉ sau 7-8 lần mặc.

Hệ quả tự nhiên của sản xuất hàng may mặc và mô hình tiêu dùng hiện tại là nhu cầu về xơ, sợi cũng như tạo ra ngày càng nhiều lượng chất thải của dệt may. Theo ước tính sơ bộ của Lenzing, vào năm 2016, tiêu thụ xơ, sợi đã đạt 99 triệu tấn. Hầu hết các mặt hàng xơ, sợi được tổng hợp từ nguồn gốc dầu mỏ (62,7%), tiếp đến là sợi cellulose và sợi protein (với thành phần bông chiếm 24,3%), sợi từ gỗ – cellulose (khoảng 6,6%), sợi tự nhiên (khoảng 5,3%) và len (khoảng 1,1%). Để đáp ứng đủ nhu cầu, sản xuất sợi trên toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục mới. Vào năm 2013, sản lượng đạt 85,5 triệu tấn và triển vọng tăng 3,7% mỗi năm, đạt 130 triệu tấn vào 2025. Sản lượng bông và polyester toàn cầu, loại sợi chính của ngành dệt được dự đoán sẽ tăng 40% trong 5 năm tới. Trong 2 thập kỷ trước, sản xuất bông đã tăng đều đặn nhưng ở một tỉ lệ tăng chậm hơn so với sản xuất polyester mà hiện nay đang chiếm ưu thế trong sản xuất sợi trên toàn cầu. Bông chiếm gần 33% sản xuất sợi trên toàn cầu, sợi nhân tạo (gồm polyester, acrylich, nylon và polypropylene) chiếm khoảng 60%, các loại cellulose gần 4%, và len và lanh lần lượt là 2,1% và 1%.

Kinh tế tuần hoàn ước tính, nhu cầu đối với sợi dệt tăng lên 84% trong 20 năm tới sẽ kéo nguồn tài nguyên đến điểm tới hạn. Tài nguyên bị thu hẹp và tăng sản xuất sợi dệt sẽ càng ngày càng làm nguy hại cho môi trường hơn. Sản xuất bông và polyester có tác động cực kỳ lớn đối với môi trường. Sợi polyester và các loại sợi khác được làm từ nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo đòi hỏi đầu vào năng lượng đáng kể và số lượng lớn dầu thô được sản xuất và điều này dẫn tới lượng khí thải nhà kính khá lớn. Hơn thế nữa, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất polyester được các nhà máy sản xuất thải ra ngoài cùng với nước thải. Cuối cùng, vì polyester không thể phân hủy sinh học nên phải mất vài thế kỷ để phân hủy hoàn toàn trong môi trường.

Ảnh hưởng đến môi trường của bông, loại sợi dệt lớn thứ 2 với sản lượng khoảng 25 triệu tấn một năm, cũng rất đáng kể. Trồng bông tốn rất nhiều nước, diện tích đất, thuốc trừ sâu và phân bón. Kinh tế tuần hoàn ước tính rằng 10% lượng thuốc trừ sâu, 25% thuốc diệt côn trùng và 2,5% lượng nước trên thế giới được dùng khi trồng bông, mặc dù bông chỉ chiếm 2,4% diện tích đất trồng trọt. Bông là nguyên nhân lớn thứ 3 gây ra bệnh bởi thuốc trừ sâu mang lại cho người nông dân. Bông là một loại sợi có thể phân hủy sinh học, nhưng hóa chất dùng cho quá trình nhuộm và hoàn tất làm hư hỏng chất lượng nguồn nước ngầm và đất khi xả thải.

Tất cả ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường có thể giảm thiểu nếu ngành dệt may lựa chọn thay thế mô hình “khai thác tài nguyên-sản xuất-thải loại” bởi mô hình tuần hoàn. Sử dụng quần áo lâu dài hơn, tái chế hiệu quả chất thải dệt và tái sử dụng nó như những loại nguyên liệu đầu vào có thể giảm đáng kể nhu cầu đối với thành phẩm và xơ, sợi. Các công ty dệt may có thể sẽ không còn làm ngơ trước một thực tế là mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại đang trở nên lỗi thời, khi mà bằng chứng cho thấy sự khan hiếm đối với nguồn cung cấp nguyên liệu, tài nguyên và chi phí xử lý chất thải tăng lên do không còn nguồn đất trống để chôn lấp.

Thách thức chính với dệt may khi dịch chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn

Quy mô và tốc độ dịch chuyển sang mô hình KTTH phụ thuộc vào kiến thức, nhận thức và sự cam kết của các bên liên quan. Trong quá trình dịch chuyển, nguyên lý 3R cần được áp dụng xuyên suốt chu trình sản xuất, tiêu dùng và phục hồi nguồn tài nguyên. Điều này có nghĩa là thách thức cho ngành dệt may đề cập đến việc giảm thiểu cường độ năng lượng và nguyên liệu, giảm thiểu sự phân tán những chất độc hại, mở rộng khả năng tái chế, tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên tái chế, kéo dài độ bền của sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngăn chặn chất thải trong suốt vòng đời sản phẩm và xóa bỏ, hoặc ít nhất tối thiểu hóa tỉ lệ chất thải tại các bãi chôn lấp là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành dệt may phải đối mặt khi dịch chuyển sang mô hình KTTH. Quản lý chất thải hiệu quả sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tất cả các khâu trong nguyên lý 3R bằng cách giảm nguyên liệu đầu vào, tái sử dụng chất thải dệt may và tái chế chúng. Tuy nhiên, quản lý chất thải hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn ban đầu của thiết kế và phát triển sản phẩm.

Dưới đây là chi tiết những thách thức, rào cản và nguy cơ chủ yếu liên quan tới việc khép kín vòng lặp trong ngành dệt may và quá trình chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn:

*Tạo ra chất thải

Mô hình tuyến tính hiện tại của sản xuất và tiêu dùng hàng dệt may (thời trang nhanh) dẫn tới một lượng chất thải dệt may khổng lồ, bởi vì quần áo bị loại bỏ sau một thời gian sử dụng rất ngắn. Ngày nay, chỉ có 30% quần áo sản xuất ra được bán với mức giá bán lẻ được đề xuất, 30% bán giảm giá, 40% còn lại chưa bán được hoặc thậm chí còn chưa được chuyển tới các cửa hàng.

Chất thải dệt may có thể được chia thành 3 loại chính theo nguồn gốc của nó:

  • Chất thải của sản xuất công nghiệp – các phản ứng phụ, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất quần áo.
  • Chất thải trước tiêu dùng – Quần áo kém chất lượng từ nơi sản xuất hoặc trung tâm phân phối, quần áo không được bán tại các cửa hàng bán lẻ.
  • Chất thải sau tiêu dùng – do chính người tiêu dùng tạo ra: quần áo bị sờn rách hoặc họ không muốn dùng nữa.

Thách thức chính trong giải quyết 3 loại rác thải nêu trên là giảm thiểu chất thải và hạn chế tối đa chất thải bị thiêu đốt hoặc chôn lấp. Trong báo cáo gần đây, Chương trình nghị sự thời trang toàn cầu và Tập đoàn tư vấn Boston dự đoán rằng nếu lượng chất thải rắn được tạo ra bởi quá trình sản xuất và sử dụng vẫn tiếp tục trong tương lai thì chất thải của ngành công nghiệp thời trang sẽ tăng 60% từ 2015 đến năm 2030, do mỗi năm có thêm 57 triệu tấn chất thải được tạo ra. Hậu quả là tổng mức chất thải của ngành thời trang sẽ tăng lên 148 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với 17,5 kg chất thải mỗi người trên trái đất tạo ra.

Vấn đề mà chất thải đặt ra hiện nay không chỉ là số lượng mà còn là cách thức xử lý. Những lựa chọn điển hình cho sản phẩm dệt may ở cuối vòng đời gồm: Tái sử dụng; Tái chế; Thiêu hủy; Chôn lấp.

Chỉ 20% rác thải quần áo được thu thập trên toàn cầu để tái sử dụng hoặc tái chế. 80% còn lại được thiêu hủy hoặc chôn lấp, gây thất thoát lớn về năng lượng và nguyên liệu đầu vào.

*Các yếu tố quyết định hiệu quả và khả năng kinh tế của tái chế dệt may

Khả năng thực tế và kinh tế của tái chế dệt may phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự sẵn có của hệ thống hạ tầng phù hợp, loại sản phẩm dệt may và tình trạng vật lý, mức độ nước, thành phần sợi, hoàn tất, kết cấu hàng may mặc, logo và biểu tượng, phụ kiện, nhãn hiệu và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là cách loại bỏ hàng may mặc.

Thiết kế và phát triển sản phẩm

Trong kinh tế tuần hoàn, hiệu suất sản phẩm (được xác định bởi độ bền, có khả năng tái chế, khả năng sửa chữa) sẽ được xác định ngay từ khâu thiết kế. Quyết định được đưa ra sau đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các công đoạn tiếp theo của vòng đời sản phẩm may mặc (từ việc chỉ định nguyên liệu và lựa chọn thuốc nhuộm, dung môi, quá trình hoàn tất, kết cấu hàng may  mặc, phụ kiện, phương pháp gắn nhãn mác tới việc người tiêu dùng loại bỏ hàng may mặc), từ đó xác định hàng loạt sự lựa chọn cách xử lý khi không còn sử dụng nữa. Các nhà thiết kế và kỹ thuật viên sẽ phải đối mặt với thách thức thực sự của việc kết hợp những lựa chọn tái chế tối ưu và tính bền vững của các đặc tính hấp dẫn cốt lõi trong sản phẩm thời trang, bởi vì thiết kế những sản phẩm vừa có tính bền vững, vừa hoàn toàn tái chế được thực sự không hấp dẫn và rất ít trong số đó thành công.

Để đạt được điều này, họ sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề nan giải. Mặc dù nhiều xơ và hỗn hợp xơ có trong thành phẩm không thể phân chia một cách có hiệu quả trong việc tái chế trừ khi áp dụng những quy trình phức tạp nhưng cũng không thể không dùng chúng vì chúng mang lại chất lượng vải mà người tiêu dùng đánh giá cao, chẳng hạn như mềm, thoáng khí, dễ chăm sóc, thuận tiện, bề ngoài đẹp, có độ rủ, không bị phai màu và có nhiều tính năng,… Một trường hợp điển hình là sự pha trộn giữa bông và polyester. Chi phí cho nhà sản xuất quần áo không tốn kém và mang lại cho người tiêu dùng những tính năng mà họ mong muốn (sự thoáng khí và mềm mại của bông được tăng cường bởi những đặc tính của polyester như màu sắc ổn định, không bị sờn và có thể giặt nhiều lần), nhưng tái chế loại sản phẩm này lại là vấn đề thách thức.

Hành vi xử lý chất thải và công nghệ tái chế

Giai đoạn thách thức và quan trọng khác trong sự phát triển hệ thống dệt may tuần hoàn là tìm ra câu cho trả lời cho câu hỏi chất thải dệt may cần được thu thập và phân loại thế nào. Để quá trình được thành công, phục hồi và xử lý lại cơ sở hạ tầng là cần thiết, cũng như truyền thông hiệu quả trong chuỗi cung ứng. Dường như khép lại vòng lặp trong ngành dệt may bị cản trở bởi 3 rào cản chính sau:

  • Hành vi xử lý chất thải của người tiêu dùng – hành vi và giáo dục;
  • Hành vi và khả năng xử lý chất thải của nhà sản xuất – hạ tầng và quy trình cho thu thập và phân loại chất thải;
  • Công nghệ tái chế – có thể hoạt động trong thực tế.

Việc thiếu các hệ thống thu gom và phân loại có hiệu suất cao chất thải dệt may cũng là một vấn đề. Chính vì thế các nguyên liệu chất lượng thấp, các phụ phẩm hỗn hợp khác chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thị trường tái chế, gây áp lực căng thẳng lên công nghệ tái chế các loại chất thải này. Kết quả, chỉ có 15% đến 20% hàng dệt (tùy thuộc vào từng vùng) được tái chế, trong khi số lượng còn lại được chôn lấp hoặc thiêu hủy.

Công nghệ tái chế chủ đạo và giải pháp kết cấu mà có thể xóa bỏ các rào cản trong việc giới thiệu vòng khép kín trên toàn cầu trong ngành dệt may vẫn còn ít. Đối mặt với vấn đề này, ngành dệt may, các viện nghiên cứu, viện hàn lâm và các tổ chức phi chính phủ tăng cường nỗ lực nhằm mục tiêu phát triển các giải pháp hiệu quả thông qua các chương trình và dự án nghiên cứu, và giới thiệu các công nghệ và mô hình kinh doanh mới.

Rõ ràng là mô hình kinh tế tuyến tính trong ngành dệt may sắp sửa đi đến hồi kết. Có vài xu hướng đan xen vào nhau đã mang ngành dệt may đến một điểm, đó là: thời trang nhanh, người tiêu dùng với thái độ vứt bỏ và thời gian sử dụng quần áo ngắn hơn; gia tăng dân số toàn cầu và tầng lớp trung lưu; giảm giá quần áo. Những xu hướng này kéo theo sự gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm dệt may giá rẻ và sợi thông thường, cũng như góp phần vào sự gia tăng lượng chất thải dệt may ở cấp thấp, thiếu khả năng chôn lấp chất thải và chi phí xử lý chất thải cao hơn. Cùng thời gian này, những xu hướng mới nổi lên theo hướng KTTH, đó là: số hóa, tính bền vững, nhấn mạnh vào sự minh bạch, cũng như áp dụng mô hình tiêu dùng và kinh doanh mới dựa trên kinh tế chia sẻ.

Quá trình dịch chuyển tới KTTH cần được bắt đầu với việc ngăn ngừa chất thải và giảm thiểu tối đa việc chôn lấp chất thải. Quá trình này có 3 giai đoạn quan trọng đối với mô hình KTTH: thiết kế và phát triển sản phẩm, thu thập và phân loại chất thải và tái chế hiệu quả. Mỗi một giai đoạn đều có những rào cản và khó khăn khác nhau nhưng cũng đều mang đến nhiều cơ hội.

Bài: Nguyễn Thu Hiền

Design by GOVIN VIET NAM © 2020 - Công ty Cổ Phần Vinatex Hồng Lĩnh. All Rights Reserved